[Quan trọng] Kinh nghiệm tránh đạp nhầm chân ga với chân phanh khi đi ô tô

Vụ việc tài xế ô tô tông 17 xe máy ở Hà Nội do đạp nhầm chân phanh với chân ga đang là chủ đề nóng hiện nay trên khắp các trang mạng xã hội. Đây là một lỗi tai hại, nguyên nhân dẫn đến những tai nạn đáng tiếc khi tham gia giao thông. Vậy làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng nhầm lẫn? Dưới đây là một số kinh nghiệm từ chuyên gia dành cho bạn. 

kinh-nghiem-tranh-dap-nham-chan-ga
Kinh nghiệm tránh đạp nhầm chân ga khi lái xe

Nguyên nhân đạp nhầm chân ga khi phanh ô tô

Tư thế lái xe chưa đúng

Việc ngồi sai tư thế khi lái xe làm tăng nguy cơ đạp nhầm chân ga, nhất là với những người sử dụng ô tô số tự động. Nó sẽ dẫn đến tình trạng lúng túng, khó chịu khi ngồi dẫn đến sự cố đạp nhầm chân ga. Hơn thế nữa, tư thế khi ngồi sai cũng sẽ khiến bạn mệt mỏi, không thoải mái, dễ mắc những bệnh về cơ và xương.

Tâm lý lái xe không vững

Những người có xu hướng tâm lý lái xe không vững vàng thường là người vừa học lái ô tô, lái chưa thạo, phụ nữ. Khi gặp phải những tình huống khẩn cấp, họ không đủ bình tĩnh để giải quyết sự việc. Gây nên sự lúng túng, hoảng loạn và vô tình dẫn đến những phản xạ ngoài ý muốn gây hậu quả nghiêm trọng. 

Chưa gạt cần số, vẫn để chế độ D

Đây là nguyên do bắt nguồn từ thói quen để chế độ cài số D và giữ chân phanh khi dừng xe tạm thời. Trong lúc dừng, tài xế chỉ cần xê dịch vị trí ngồi hoặc rời chân phanh sẽ làm tăng khả năng gặp nguy hiểm. Đặc biệt, khi xảy ra tình huống bất ngờ rất dễ bị động.

Các mẹo giúp hạn chế tối đa đạp nhầm chân ga

Nắm chắc vị trí chân ga và chân phanh

Chân ga là bộ phận được sử dụng để thực hiện những hoạt động di chuyển, tăng tốc trên đường hoặc trên địa hình khúc khuỷu. Bất kỳ ai mới làm quen với việc điều khiển ô tô, đều sẽ được yêu cầu phải tiếp xúc và ghi nhớ về bộ phận này. Tuy nhiên, ở xe số sàn và xe số tự động, vị trí chân ga/chân phanh sẽ có sự khác biệt mà bạn cần phải nắm rõ:

  • Xe số sàn: chân ga xe số sàn sẽ nằm ở khu vực để chân của tài xế. Theo đó, vị trí để theo thứ tự là chân côn, chân phanh (ở giữa) và cuối cùng là chân ga.
  • Xe số tự động: mẫu xe này sẽ không có chân côn, chỉ còn chân phanh và chân ga nằm song song với nhau theo vị trí chân ga trước, chân phanh sau tính từ phía bên phải của người ngồi lái. 

Chú ý tư thế ngồi khi lái xe

tu-the-ngoi-dung-khi-lai-xe-o-to
Tư thế ngồi đúng khi lái xe

Các tư thế ngồi sai mà nhiều lái xe hay mắc phải đó là ngồi đổ người về phía trước, gây nên tình trạng không thể thả lỏng chân, đầu gối,…Khi phải đạp phanh, chân khó có thể linh hoạt dẫn đến sự cố đạp nhầm chân ga. Vậy nên, trước khi khởi động xe, bạn nên điều chỉnh vị trí ghế ngồi sao cho thoải mái nhất. Chỉ khi bạn cảm thấy thoải mái, chủ động trên ghế ngồi thì mới có thể dễ dàng xoay sở cho các tình huống khẩn cấp.

Chú ý: Đối với lái xe mới hoặc mới chuyển sang lái xe lạ, cần thực hành thành thạo và luôn ghi nhớ nguyên tắc chỉ dùng 1 chân khi đạp phanh hoặc ga, tuyệt đối không dùng cả hai chân (chân trái đạp phanh – chân phải đạp ga) cho thao tác này.

Luôn nhớ quy tắc tì gót chân lên sàn xe

Một thói quen tốt giúp người lái tránh mắc lỗi đạp nhầm chân ga đó là “Rời chân ga – Rà chân phanh”. Cụ thể như sau:

+ Đặt chân ngay sát chân phanh.

+ Tì gót chân lên sàn xe và coi như đây là điểm tựa. Luôn nhớ chỉ xoay gót phải để điều khiển ga/ phanh và nhanh chóng chuyển sang rà phanh mỗi khi bỏ chân ga.

+ Đặt gót chân phải thẳng hoặc gần với bàn đạp phanh để tạo tư thế thuận tiện cũng như dễ dàng nhất để nhấn phanh khi cần thiết.

Ngoài ra, khi lái xe số tự động các chủ xe nên tập cho mình thói quen xuyên suốt trong quá trình di chuyển là “giải phóng chân trái”. Được hiểu là để cho chân trái được rảnh rỗi, chỉ sử dụng chân phải, tì gót chân lên sàn xe tạo tư thế thoải mái để chuyển đổi tư thế giữ ga, phanh theo hình chữ V. 

Chuyển về số P hoặc N khi dừng đỗ

Với xe số tự động, nhiều người vẫn luôn giữ thói quen để cần số ở nấc D. Trong khi chân nhấn nhẹ bàn phanh để giữ xe đứng yên trong trường hợp không cần xuống xe và đi ngay. Tuy nhiên khi rơi vào tình huống tập trung làm việc gì đó, vô tình lái xe sẽ rời chân ra khỏi bàn đạp mà quên rằng mình vẫn cần phải giữ chân phanh. Khi nhận ra điều này, do lúng túng, lái xe rất dễ đạp nhầm chân ga và gây ra hậu quả đáng tiếc.

Để tránh sự cố trên, nhà sản xuất khuyên các chủ xe khi dừng đỗ nên trả số về N và kéo phanh tay khi dừng xe tạm thời, trả số về P khi dừng xe lâu kết hợp kéo phanh tay để đảm bảo an toàn.

Thao tác trên sẽ chỉ mất từ 5-10 giây, vì thế người lái nên thực hiện thao tác này mỗi khi dừng xe và duy trì thường xuyên để tạo thành thói quen điều khiển xe an toàn.

Giữ tâm lý tập trung khi lái xe

Khi tham gia giao thông, người điều khiển cần tập trung hoàn toàn vào việc lái xe, tránh phân tâm, xao nhãng sang những chuyện khác. Sự mất tập trung và những biến động trong tâm lý (nếu có) sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khả năng phản xạ trước những tình huống bất ngờ. Đã có nhiều trường hợp khi gặp sự cố, người lái xe luống cuống phanh gấp nhưng lại đạp nhầm chân ga thay cho chân phanh.

Những sự cố nhầm lẫn giữa đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh thường xảy ra ở những bãi đỗ xe và ở các giao lộ. Do vậy khi di chuyển ở những địa điểm trên tài xế phải quan sát cẩn thận và lái xe một cách từ tốn.

Lựa chọn trang phục phù hợp

han-che-di-giay-cao-got-khi-lai-xe-o-to
Hạn chế đi giày cao gót khi lái xe ô tô để không ảnh hưởng đến các thao tác chân

Giày dép cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng điều khiển xe của người lái. 

Đi chân trần sẽ khiến người lái đau chân khi phải lái xe trong một thời gian dài.

Đi giày cao gót, giày có đế dày sẽ khiến chân bị cứng, khó di chuyển, các thao tác chân khó linh hoạt. 

Nếu bạn có thói quen đi boot hoặc giày cao gót thì nên chuẩn bị sẵn trong xe một đôi giày/dép đế mỏng để sử dụng khi lái xe.

Tóm lại, việc tránh đạp nhầm chân ga khi lái xe là rất quan trọng để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Tránh biến chiếc xe của mình thành “xe điên” và gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Bạn nên tuân thủ các kinh nghiệm trên và luôn tập trung và tập lái xe thường xuyên để cải thiện kỹ năng lái xe của mình. Theo dõi Kovar để cập nhật thêm những thông tin hữu ích giúp lái xe an toàn bạn nhé. 

post